Đây được xem là tuyến cao tốc thứ 2 về miền Tây và chạy song song với tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương, Trung Lương – Mỹ Thuận trong tương lai.
Kết nối ba dự án thành đường cao tốc
Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long, đến nay dự án “Kết nối khu vực trung tâm đồng bằng sông Mekong” gồm 5 dự án thành phần đã hoàn thành 3 dự án.
Trong đó gồm cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền, đường nối cầu Cao Lãnh – cầu Vàm Cống và dự án cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu có tổng chiều dài 32km và mặt đường rộng 4 làn ôtô và 2 làn xe thô sơ. Vì vậy, việc sớm nâng cấp tuyến đường này thành đường cao tốc là rất khả thi.
Thêm một điểm thuận lợi nữa, cả ba dự án trên đã được đầu tư 19.455 tỉ đồng, đến nay sau khi hoàn thành vẫn còn dư khoảng 715,6 tỉ đồng.
Vì vậy, Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long đề xuất sử dụng nguồn vốn dư này để đầu tư xây dựng tuyến đường gom ở hai bên đường rộng 7,5m.
Tuyến đường gom này nằm trong ranh dự án đã thực hiện đền bù giải tỏa nên không tốn thêm kinh phí đền bù. Đồng thời xây dựng hàng rào ở hai bên tuyến đường chính để ngăn người dân và xe máy đi vào tuyến đường chính.
Trên cơ sở đó, tuyến đường chính từ cầu Cao Lãnh đến cầu Vàm Cống chỉ cần trải thêm lớp nhựa đường dày 5cm để hoàn thiện thành đường cao tốc cho xe lưu thông với vận tốc 100km/h.
Hiện Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư về việc sử dụng vốn dư của ba dự án trên để đầu tư các hạng mục bổ sung nhằm hình thành tuyến cao tốc từ cầu Cao Lãnh đến cầu Vàm Cống dài 32km.
Theo chủ đầu tư, nếu các cấp thẩm quyền quyết định sớm, dự kiến công trình sẽ thi công ngay trong năm 2020 và thời gian thi công 13 tháng sẽ hoàn thành đường cao tốc trong năm 2021.
51km tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi sẽ thành cao tốc
Hiện nay, tuyến đường Lộ Tẻ – Rạch Sỏi (Cần Thơ – Kiên Giang) dài 51,1km, rộng 17m cho 4 làn xe lưu thông đang được thi công. Tính đến nay, công trình đã thi công đạt hơn 80% khối lượng. Tuyến đường này hoàn thành có thể kết nối với tuyến đường từ cầu Vàm Cống – cầu Cao Lãnh tạo thành tuyến cao tốc dài 84km cho khu vực miền Tây.
Dự án trên đã khởi công từ tháng 6-2016 và dự kiến hoàn thành vào tháng 6-2020, với tổng mức đầu tư 6.355 tỉ đồng. Điểm tương đồng là đến nay, sau khi đấu thầu và triển khai thi công, dự án kết dư 220 tỉ đồng.
Từ đây, chủ đầu tư dự án là Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải sử dụng nguồn vốn dư này để nâng cấp tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi thành tuyến đường cao tốc.
Bộ Giao thông vận tải đã đồng ý với đề xuất của Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long.
Từ đó, Bộ Giao thông vận tải cũng đã giao Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông và chủ đầu tư triển khai thiết kế kỹ thuật hạng mục hàng rào dọc tuyến, hệ thống an toàn giao thông để nâng cấp tuyến đường trên thành đường cao tốc.
“Theo đó, tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi sẽ cho ôtô lưu thông với vận tốc 80-100km/h, còn xe máy sẽ đi đường gom 2 bên hoặc đi theo quốc lộ 80. Nếu việc triển khai các thủ tục đầu tư suôn sẻ thì việc nâng cấp tuyến đường này thành đường cao tốc sẽ đưa vào sử dụng trong quý 1-2021” – ông Diệp Bảo Tuấn, phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long, chia sẻ.
Theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc VN đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt, tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi kết nối với tuyến đường cầu Cao Lãnh – cầu Vàm Cống là một đoạn trong tuyến cao tốc Bắc – Nam phía tây.
Tiếp tục nối dài tuyến cao tốc Bắc – Nam phía tây
Từ dự án nâng cấp đường từ cầu Cao Lãnh đến Rạch Sỏi được đề xuất, Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Kế hoạch – đầu tư xem xét báo cáo Thủ tướng phê duyệt đề xuất dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh (Đồng Tháp). Theo đó, xây dựng một tuyến đường mới từ Mỹ An đi Cao Lãnh dài 26,16km, mặt đường rộng 17m cho 4 làn xe lưu thông.
Theo ông Trần Văn Thi, tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long – đơn vị được bộ giao nghiên cứu lập dự án đầu tư tuyến cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh, dự kiến tổng mức đầu tư dự án 4.520 tỉ đồng (196,5 triệu USD), trong đó nguồn vốn vay ODA của Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc 3.829 tỉ đồng (166,4 triệu USD), phần còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách 691 tỉ đồng.
Theo Bộ GTVT, dự kiến việc đầu tư tuyến cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh sẽ đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Như vậy, việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc này sẽ hình thành tuyến cao tốc từ Mỹ An đến Rạch Sỏi dài 110km, góp phần chia sẻ lượng xe lưu thông trên tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương, Trung Lương – Mỹ Thuận.
Comment