Sáng 2/4/2021, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.

Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên được thành lập theo Quyết định số 21/2020/QĐ-TTg, ngày 5/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ với diện tích 1.600 ha, gồm 5 phường: Pháo Đài, Đông Hồ, Tô Châu, Bình San, Mỹ Đức.

Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên được tổ chức thành các khu chức năng: Khu phi thuế quan, khu cửa khẩu quốc tế, khu du lịch, khu hành chính, khu dân cư, khu công nghiệp và các khu chức năng khác.

Với mục tiêu xây dựng TP. Hà Tiên và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên trở thành trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch văn hóa – di sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long gắn phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh biên giới, việc thành lập khu kinh tế này kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Kiên Giang nói chung và TP. Hà Tiên nói riêng.

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên.

Cụ thể, Hà Tiên sẽ trở thành cửa ngõ giao thương hàng hóa, du lịch bằng đường bộ giữa hai nước Việt Nam – Camphuchia và các nước trong khu vực ASEAN nói chung. Đồng thời, là cửa ngõ trung chuyển hàng hóa, khách du lịch bằng đường biển từ các tỉnh đất liền trong cả nước ra đảo Phú Quốc và ngược lại, góp phần phát triển hành lang kinh tế ven biển ở khu vực phía Nam.

Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên sẽ khai thác lợi thế, tiềm năng của địa phương để phát triển du lịch theo hướng liên kết với các vùng trong tỉnh, khu vực, mở rộng hợp tác quốc tế về du lịch; huy động sự tham gia của nhiều doanh nghiệp để phát triển thương mại – dịch vụ, sản xuất công nghiệp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu, biên giới. Tạo bước đột phá trong việc phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách cho địa phương.

Tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư; phát triển khoa học công nghệ; hợp tác liên doanh, chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở khu vực biên giới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Kiên Giang nói chung và thành phố Hà Tiên nói riêng theo hướng tăng dần tỷ trọng thương mại – dịch vụ, công nghiệp – xây dựng.

Tạo ra một vị thế mới để tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước trong khu vực, đẩy mạnh các hoạt động giao thương, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, vận chuyển hàng hóa quá cảnh, góp phần gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu của TP. Hà Tiên và tỉnh Kiên Giang.

Hình thành các khu đô thị, khu dân cư, thương mại tập trung dọc biên giới, theo hướng phát triển đô thị thông minh, xanh, bền vững với hạ tầng kỹ thuật hiện đại, tạo tiền đề để TP. Hà Tiên đạt tiêu chuẩn đô thị loại II trước năm 2025.

Theo quy định của pháp luật về đầu tư, Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên thuộc Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư là “Địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn”. Vì vậy, các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư tại Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên sẽ được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất theo quy định hiện hành, như: Ưu đãi về tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; ưu đãi về thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn thuế nhập khẩu; ưu đãi về tín dụng đầu tư…

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Kiên Giang, mục tiêu phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên đến năm 2030 là: Tốc độ phát triển kinh tế 8%/năm; cơ cấu kinh tế (GRDP) nông – lâm – thủy sản 8-10%, công nghiệp – xây dựng 17-19%, thương mại – dịch vụ 72-75%; GRDP (giá hiện hành) bình quân đầu người 9.500 – 10.000 USD; kim ngạch xuất – nhập khẩu đến năm 2030 đạt trên 400 triệu USD; tổng vốn đầu tư phát triển bình quân trên 2.500 tỷ đồng/năm.

Theo thanhnien.vn

Comment